Trung tâm trẻ em khuyết tật Thủy Biều, điểm dừng chân của chúng tôi

Giữa những cái nắng oi ả của mảnh đất xứ Huế, những cảnh vật nên thơ của vùng đất đầy ắp tình người, đã thôi thúc “62 trái tim” tình nguyện đến với trung tâm trẻ em khuyết tật Thủy Biều, điểm dừng chân của K34 Công tác xã hội, trường CĐSP Thừa Thiên Huế trong dịp Tết Trung thu!

Trẻ em khuyết tật là trẻ có khiếm khuyết về cấu trúc cơ thể, suy giảm các chức năng, hạn chế khả năng hoạt động, khó khăn trong sinh hoạt học tập, vui chơi và lao động. Hơn ai hết, chúng tôi những nhân viên công tác xã hội tương lai của đất nước đã hiểu được những điều thiệt thòi của trẻ; hiểu được các nhu cầu mà trẻ cần là được yêu thương, được vui chơi, được tôn trọng, được giúp đỡ để phát triển và hoàn thiện dần, đặc biệt hơn trẻ cần được hòa nhập. Và đó là những lý do mà chúng tôi tìm đến 393 Bùi Thị Xuân, Trung tâm trẻ em khuyết tật Thủy Biều điểm đến của chúng tôi.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những ánh mắt “hồn nhiên” của trẻ. Những ánh mắt sao mà sâu thẳm quá, như đang mong ngóng tình thương yêu, sự sẻ chia những mất mát, thiệt thòi với chúng. 

Các cô, chú ở trung tâm đã niềm nở đón chào những trái tim thiện nguyện. Sau đó, chúng tôi tự giới thiệu về mình, chủ động làm quen với các em qua lời ca tiếng hát và các trò chơi được chuẩn bị trước. Những nụ cười đã bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt trẻ thơ. Các em đã đón nhận những tình cảm của chúng tôi trong niềm vui với những tiếng cười hạnh phúc.

Những trẻ em khuyết về thính giác, thị giác, khuyết vận động, trí tuệ lẫn ngôn ngữ…Thế nhưng, các em rất hăng hái, thích tham gia các trò chơi và thể hiện mình như múa võ, nhảy hiphop, trẻ bị câm nhưng vẫn hát, những đứa trẻ bị liệt nhưng vẫn múa. Chúng tôi cảm nhận ở các em, một sự sống đang tồn tại và mãnh liệt hơn bao giờ hết để vượt qua số phận và hoàn cảnh! 

Những sinh viên chuyên ngành Công tác xã hội thiết nghĩ cần làm nhiều việc thiết thực hơn để giúp đỡ các em khuyết tật hòa nhập cộng đồng như tuyên truyền để mọi người dân có những nhận thức về người khuyết tật, để mọi người không kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật, đặc biệt là trẻ khuyết tật.

Lần đầu tiên được tiếp xúc với các em, cùng vui chơi, quan tâm và sẻ chia những khó khăn…Các em đã ôm, hôn lên má chúng tôi để bày tỏ tình cảm của mình. Chúng tôi đã nghẹn ngào xúc động.

Đến với những con người nơi đây chúng ta cần mở rộng vòng tay nhân ái để chở che, đùm bọc những con người với số phận kém may mắn. Những suy nghĩ ấy như làn gió thổi vào tâm hồn của chúng tôi những “ngọn lửa yêu thương”, lòng nhân ái của con người. Làn gió ấy chính là các em, như những thiên thần nhỏ làm thức tỉnh những suy nghĩ, những giá trị cuộc sống, giá trị tình yêu thương, cảm thông, chia sẻ,...

Các em, cho phép chúng tôi gọi các em là “anh hùng của sự sống”, vươn lên như những mầm tre xanh trỗi dậy từ lòng đất, mãnh liệt đến phi thường! Các em, những con người kém may mắn trong cuộc sống nhưng không bao giờ bị số phận đánh gục. Vẫn hồn nhiên, vui tươi và tự tin thể hiện mình.

Chơi cùng các em, chúng tôi như thoát khỏi cuộc sống thường ngày, những lo toan bồn bề của cuộc sống. Đến với các em, chúng tôi bình dị, vui tươi và hòa đồng, cùng các em chia từng cái kẹo, quà bánh. Cuộc sống thật có ý nghĩa trong những giờ phút êm đềm, những giờ phút mà chúng tôi không thể nào quên được.

Khi chia tay, chúng tôi không thể không quyến luyến và các em cũng vậy. Các em đã giữ chúng tôi lại và có em đã bật khóc. Những giọt nước mắt lăn dài trên má của các em cũng đủ làm cho chúng tôi cay cay khóe mi, không ai nói nhưng tất cả hiểu rằng sẽ quay trở lại trong một ngày gần nhất.

                                             Hẹn gặp lại Thủy Biều!

 

 

Như Ninh – Hoài Thu

 


Hướng dẫn khai thác thư viện số